Tín chỉ Carbon: Giải pháp xanh hay Giấy phép gây ô nhiễm? Tìm hiểu cuộc chơi kinh doanh “xanh hóa”

Dù Tesla tự hào là một công ty năng lượng sạch nhưng hãng cũng đang phát triển mạnh nhờ bán tín chỉ carbon cho các công ty chưa tìm ra giải pháp giảm lượng khí thải của mình. Riêng 2023, Tesla kiếm được gần 1,79 tỷ USD từ việc bán tín chỉ carbon, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng đó kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD (Jennifer L, 2024) và là một ví dụ hoàn hảo về việc làm cách nào mà hệ thống tín chỉ carbon có thể trở thành một sân chơi tài chính cho các công ty có chiến lược phù hợp.


Carbon credits – “hàng hot” mới trên thị trường

Tín chỉ carbon giống như “phiếu giảm giá” cho môi trường, mỗi phiếu đại diện cho một tấn CO₂ đã được giảm thải hoặc loại bỏ khỏi môi trường. Các công ty có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải của họ, đáp ứng các quy định của thị trường hoặc quảng bá hình ảnh “bền vững” của họ.

Source: Carbon Credits

Khi các chính phủ siết chặt quy định về phát thải, ngày càng nhiều công ty hướng tới mục tiêu net-zero, khiến tín chỉ trở nên đắt giá như một loại cổ phiếu “hot”. Trên thực tế, thị trường này ước tính đạt giá trị khoảng 400 triệu USD vào năm 2020 và có thể tăng lên 10-25 tỷ USD vào năm 2030. (Carbon Credits, n.d)

Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng này là không ít vấn đề. Carbon credits có thể tài trợ cho các dự án xanh, nhưng chúng cũng đặt ra câu hỏi lớn: Liệu các tín chỉ này có thực sự giảm thải, hay chỉ là cách để các công ty “tẩy xanh” hình ảnh của mình?


Cách các công ty kiếm lời qua cơ chế giao dịch tín chỉ carbon

Hình minh họa trên cho thấy cách thức hoạt động của hệ thống giao dịch khí thải (thị trường carbon). Hãy tưởng tượng chúng ta có hai nhà máy: Nhà máy A và Nhà máy B. Mỗi nhà máy có giới hạn về lượng khí nhà kính mà họ có thể thải ra. Nhà máy A thải ra lượng khí thải vượt quá giới hạn cho phép, trong khi Nhà máy B giảm lượng khí thải và duy trì dưới mức giới hạn của mình. Để cân bằng điều này, Nhà máy A mua thêm hạn ngạch khí thải (tín chỉ carbon) từ Nhà máy B trên thị trường carbon, cho phép Nhà máy A tiếp tục hoạt động hợp pháp. Nói một cách đơn giản, các công ty gây ô nhiễm ít hơn có thể bán “tiết kiệm” của họ cho các công ty gây ô nhiễm nhiều hơn, tạo ra một động lực tài chính để giảm lượng khí thải theo thời gian.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cách các doanh nghiệp như Tesla kiếm tiền từ tín chỉ carbon và tại sao nó lại mang lại nhiều lợi nhuận hơn những gì người ta tưởng tượng. Dưới đây là hai cách chính:

  1. Mô hình trung gian: Mua rẻ, bán đắt
    Các tập đoàn lớn có thể mua carbon credits từ các dự án rẻ hơn ở các nước đang phát triển, như trồng rừng ở Amazon hay các trang trại gió ở Ấn Độ, với giá rất nhỏ. Những tín chỉ này thường chỉ tốn vài đô la cho mỗi tấn CO₂ được loại bỏ. Sau đó, các công ty có thể bán lại chúng cho các tập đoàn khác, đặc biệt là trong các ngành phát thải cao như dầu khí và ô tô với giá cao hơn nhiều.
  2. Tự xây dựng danh mục xanh
    Một số công ty đi trước một bước và phát triển các dự án tạo tín chỉ carbon của riêng họ như trồng rừng, lưu trữ carbon trong đất hoặc thu hồi khí mê-tan để họ có thể bán hoặc sử dụng để bù đắp lượng khí thải của chính mình. Ví dụ, Amazon đã chi hơn 100 triệu USD cho các dự án bù đắp lượng khí thải carbon vào năm 2020 để thành lập Quỹ Khí hậu The Right Now dành cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục và bảo tồn rừng, vùng đất ngập nước và đồng cỏ trên toàn cầu. (Amazon Sustainability)

Vấn đề Greenwashing (Quảng cáo xanh): Khi “xanh” chỉ là bề ngoài

Dù các tính chỉ carbon có thể dẫn đến các dự án môi trường thực tế, nhưng chúng cũng trở thành công cụ để “quảng cáo xanh”, cho phép các công ty mua bán những tín chỉ ấy để “giảm thiểu” lượng phát thải của họ mà không thay đổi cách vận hành. 

Theo Guardian (2023), hơn 90% các tín chỉ carbon từ rừng nhiệt đới của các tập đoàn lớn như Disney, Shell, và Gucci có thể là “tín chỉ ảo”, không thực sự giảm phát thải. Một cuộc điều tra năm 2020 cho thấy rằng trong số 29 tín chỉ carbon do Verra cấp, tiêu chuẩn hàng đầu trong thị trường bù đắp carbon, chỉ có 6% (hay 5,5 triệu trong số 95 triệu) thực sự thể hiện mức giảm phát thải, và chỉ 8 trong số 29 dự án đạt được bất kỳ mức nào có thể đo lường được trong việc giảm phát thải.

Vấn đề chính ở đây là mặc dù các công ty có thể thể hiện hình ảnh xanh của mình nhưng họ có thể không thực sự giảm lượng khí thải theo bất kỳ cách thức ý nghĩa nào. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua tín chỉ carbon, họ có thể có ít động lực hơn để áp dụng các công nghệ sạch hơn hoặc thay đổi cách làm của mình. Thay vì trực tiếp cắt giảm khí thải, họ có thể thoát khỏi trách nhiệm giải trình, dẫn đến một thế giới nơi mọi người đều trông “có vẻ” xanh tươi, nhưng hành tinh này thực sự không sạch hơn chút nào.


Tương lai của tín chỉ carbon: Lợi ích hay rủi ro nhiều hơn?

Mặc dù không thể phủ nhận tín chỉ carbon mang lại lợi nhuận nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Chúng có phải là giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng khí hậu, hay chỉ là một công cụ tài chính khác?

Để thị trường tín dụng carbon trở nên hiệu quả hơn, chúng ta cần giám sát chặt chẽ hơn, báo cáo minh bạch hơn và một tiêu chuẩn toàn cầu để cân đo tác động thực sự đến môi trường thực tế của mỗi dự án. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp nên vượt ra khỏi giới hạn bù đắp và tập trung vào việc giảm lượng khí thải trực tiếp, hay nói cách khác, thay đổi cách họ vận hành thay vì chỉ mua giấy phép để gây ô nhiễm.

Cuối cùng, thị trường tín chỉ carbon vốn không xấu. Nó có tiềm năng tài trợ cho các dự án xanh thiết yếu và khuyến khích các công ty tham gia vào hành động vì khí hậu. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển thì rủi ro bị khai thác cũng tăng theo.

Với những người tiêu dùng như chúng ta, hãy luôn yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm từ các doanh nghiệp với những lời hứa về môi trường của họ.

Vì sau cùng, lối sống xanh không nên chỉ là chuyện kiếm lời, mà phải là cứu lấy hành tinh ta đang sống. 🌍